111 222 333

CÔNG TY TNHH HTV LÂM NGHIỆP YÊN THẾ THỰC HIỆN PHƯƠNG ÁN QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG VÀ CHỨNG CHỈ RỪNG HƯỚNG TỚI KINH DOANH RỪNG ỔN ĐỊNH VÀ HIỆU QUẢ

CÔNG TY TNHH HTV LÂM NGHIỆP YÊN THẾ
 THỰC HIỆN PHƯƠNG ÁN QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG VÀ CHỨNG CHỈ RỪNG
HƯỚNG TỚI KINH DOANH RỪNG ỔN ĐỊNH VÀ HIỆU QUẢ
 
        ThS. Hoàng Văn Chúc
                                                                   Chủ tịch HĐTV công ty
                                                               
Quản lý rừng bền vững (QLRBV) và chững chỉ rừng là xu thế tất yếu của ngành lâm nghiệp ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Các chủ rừng phải có một kế hoạch/phương án Quản lý rừng bền vững được cơ quan có chức năng chuyên môn phê duyệt và phải thực hiện các hoạt động quản lý nhằm đạt được yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế về chứng chỉ rừng (Forest Certification – FC) và tiến đến xin cấp chứng chỉ rừng FM cho diện tích rừng đang quản lý. Do đó xây dựng và thực hiện phương án Quản lý rừng bền vững (Sustainable Forest Management Plan-SFMP) theo tiêu chuẩn quốc tế có thể coi là yêu cầu quan trọng đối với công ty TNHH HTV Lâm nghiệp Yên Thế, TỈNH Bắc Giang.
 
Ảnh: Hội thảo nâng cao nhận thức và năng lực QLRBV và chứng chỉ rừng
Công ty TNHH HTV Lâm nghiệp Yên Thế, tiền thân là Lâm trường Yên Thế được thành lập năm 1963. Công ty là Doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là vốn Nhà nước, có tư cách pháp  nhân đầy đủ, hạch toán kinh tế độc lập, được đăng ký và hoạt động theo Luật doanh nghiệp; trực thuộc UBND tỉnh Bắc Giang. Sau nhiều lần sắp xếp lại tổ chức và thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiểu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; gần đây nhất đã chuyển đổi thành công ty TNHH HTV Lâm nghiệp Yên Thế theo Quyết định số 894/QĐ-UBND ngày 26/5/2017 của UBND tỉnh Bắc Giang. Chức năng, nhiệm vụ hoạt động chính của công ty là: Tổ chức sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ môi trường sinh thái; góp phần đảm bảo an sinh xã hội nông thôn miền núi. 

























Nhằm phát huy hiệu quả của diện tích rừng và đất rừng công ty đang quản lý đồng thời thực hiện nội dung của thông tư số 38/2014/TT-BNNPTNT “Hướng dẫn về quản lý rừng bền vững” ngày 03 tháng 11 năm 2014 của Bộ NNPTNT. Trong giai đoạn 2016 – 2020, công ty LN Yên Thế đã xây dựng và thực hiện phương án QLRBV có cơ sở khoa học và thực tiễn, bảo đảm bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, đạt được các yêu cầu của hệ thống tiêu chuẩn QLRBV theo FSC và được cấp chứng chỉ rừng FSC FM/CoC chu kì 5 năm thứ nhất 2016-2020 vào tháng 7 năm 2016. Đến nay đã hết một chu kì chứng chỉ FSC, nhằm phát huy thành quả và kinh nghiệm đã đạt được trong giai đoạn trước, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ NNPTNT “Qui định về Quản lý rừng bền vững” và yêu cầu của tiêu chuẩn FSC Việt Nam NFSS V2.0 (Bộ IGI của FSC STD V5.1), công ty LN Yên Thế đã xây dựng lại phương án QLRBV giai đoạn 2021-2025 và xin cấp chứng chỉ FSC FM cho chu kì 5 năm tiếp theo.

Công ty hiện đang quản lý 2.388,02 ha rừng và đất rừng; bao gồm 2.295,46 ha rừng sản xuất, 41 ha rừng phòng hộ. Toàn bộ diện tích trên thuộc địa bàn 10 xã, thị trấn của huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Trong đó đất lâm nghiệp là:

Đất lâm nghiệp              2.336,46 ha gồm:
  • Đất rừng sản xuất     2.295.46 ha
  • Đất có rừng trồng sản xuất  2.117,96 ha
  • Đất vùng đệm ven suối              78,79 ha
  • Đất dông, khe, dốc, đá, hành lang điện… không có khả năng trồng rừng 55,54 ha
  • Đất công trình phù trợ sản xuất (đường vận xuất, vận chuyển, bãi gỗ) 43,17 ha
  • Đất rừng phòng hộ               41,00 ha
Tài nguyên rừng

Rừng trồng phòng hộ: Có chất lượng trung bình và kém là 5,3 ha trồng Bạch đàn PN14, chiếm 12,9%; rừng chất lượng khá và tốt là 35,7 ha, chiếm 87,1%. Toàn bộ diện tích 41 ha này, được công ty quy hoạch rừng gỗ lớn. Rừng trồng sản xuất: 2.117,96 ha, trong đó: rừng chất lượng trung bình và kém là 181 ha (chủ yếu là rừng chồi Bạch đàn PN14), chiếm 8,5%; rừng chất lượng khá và tốt là 1.936,96 ha chiếm 91,5%. Diện tích được quy hoạch kinh doanh rừng gỗ lớn là 462,96 ha, chiếm 21,9 %. Kết quả giám sát năng suất rừng năm 2020 cho thấy: lượng tăng trưởng bình quân/năm đối với rừng trồng Keo là 17,5 m3/năm; lượng tăng trưởng bình quân/năm đối với rừng trồng Bạch đàn là 15,9 m3/năm
Công ty đang thực hiện đầu tư thâm canh cao đối với rừng trồng là rừng sản xuất, thay thế dần diện tích rừng kém phát triển bằng rừng trồng có chất lượng, năng suất cao. Trữ lượng rừng trồng khá lớn, rừng tuổi 8 trở lên chiếm gần 50% tổng trữ lượng, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ của công ty, tạo điều kiện xây dựng chuỗi giá trị rừng trồng khép kín, tăng doanh thu và có kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Doanh thu từ rừng đảm bảo kinh phí đầu tư trồng, chăm sóc rừng theo hướng thâm canh cao. Rừng có trữ lượng cao, tạo ra sinh khối lớn hấp thụ được nhiều các bon, có tác dụng rất lớn trong bảo vệ môi trường trong khu vực, nhiều lô rừng gỗ lớn có tác dụng bảo vệ thảm động góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

 
Ảnh: Rừng Bạch đàn Cự vỹ 6 tháng tuổi (Xuất sứ TQ)                
Tính đa dạng sinh học[1] trong khu vực công ty:
Kết quả điều tra đa dạng thực vật rừng cho thấy: Rừng của công ty và khu vực lân cận có 254 loài thực vật. Không phát hiện loài thực vật quý, hiếm thuộc Sách Đỏ Việt Nam, Danh lục Đỏ IUCN và Nghị định 06/2019/NĐ-CP, Danh lục Cites. Rừng trồng của công ty chủ yếu là các loài Keo tai tượng (Acacia mangium), Keo lai (Acacia hybrid), Bạch đàn lai (Eucalyptus hybrid), Bạch đàn U6 (Eucalyptus urophylla), Vối thuốc (Schima wallichii) và một số loài cây bản địa.
Kết quả điều tra đa dạng động vật rừng cho thấy: Rừng của công ty và khu vực lân cận có 87 loài động vật. Không phát hiện loài động vật quý, hiếm thuộc Sách Đỏ Việt Nam, Danh lục Đỏ IUCN và Nghị định 06/2019/NĐ-CP, Danh lục Cites. Các loài động vật chủ yếu như: các loài rắn, sóc, dúi... tính đa dạng loài ở mức thấp và trữ lượng cá thể không nhiều nên hoạt động săn bắt rất ít và nhỏ lẻ.
Trên cơ sở nội dung Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2016 – 2020 đã được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt. Công ty đã tổ chức thực hiện các nội dung quản lý và trong 5 năm qua đã đạt được những kết quả rất khả quan. Hoạt động quản lý, sử dụng, bảo vệ rừng và đất rừng được cải thiện. Diện tích rừng trồng được đầu tư trồng, chăm sóc, khai thác sử dụng hợp lý, khoa học; vừa đảm bảo giá trị kinh tế, môi trường và kinh doanh rừng theo hướng bền vững theo yêu cầu của tiêu chuẩn FSC. Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của công ty được thành lập; thực hiện ký kế hoạch, quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng với UBND huyện, Hạt Kiểm lâm, Công an huyện và UBND các xã trên địa bàn hoạt động của công ty. Phát huy tính tự chủ, chủ động phòng ngừa và phát hiện của công ty kết hợp với sự tham gia của người dân địa phương sống gần rừng, công tác bảo vệ diện tích rừng của công ty ổn định và phát triển tốt.
Hiệu quả sản xuất kinh doanh được nâng lên rõ rệt, thông qua số liệu về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập của người lao động... Doanh nghiệp ngày càng ổn định và phát triển; kinh doanh rừng được quản lý, thực hiện theo hướng bền vững. Sau 5 năm đã có sự phát triển theo chiều hướng tốt, doanh thu và lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. Doanh thu 132,56 tỷ đồng, bình quân 26,51 tỷ đồng/năm, tăng dần qua từng năm. Doanh thu cuối kỳ cao hơn đầu kỳ 10 – 25% mặc dù diện tích rừng khai thác cuối kỳ ít hơn đầu kỳ từ 20- 60%; đời sống, thu nhập người lao động ngày được nâng cao đã tác động tích cực vào đời sống xã hội của người dân trong khu vực công ty quản lý. Sản xuất kinh doanh hàng năm của công ty đều có lãi. Lợi nhuận 3,9 tỷ đồng, bình quân 786 triệu đồng/năm, tăng dần qua từng năm. Nộp ngân sách nhà nước 11,93 tỷ đồng, bình quân 2,38 tỷ đồng/năm, tăng dần qua từng năm. Hoạt động trồng lại rừng sau khai thác theo kế hoạch được  thực hiện tốt. Diện tích trồng rừng 1.082ha/chu kỳ, bình quân 216ha/năm. Cao nhất là năm 2017 đạt 265 ha. Thấp nhất là năm 2020 đạt 141 ha.  Sản lượng gỗ  khai thác trong chu kỳ là 84.220m3, bình quân 16.844m3/năm.  Diện tích khai thác 984,77ha, bình quân 197 ha/năm. Cao nhất là năm 2016 đạt 226,7 ha. Chế biến lâm sản 22.050m3 thành phẩm, bình quân 4.410m3/năm.
Hiệu quả về môi trường:  Công ty đã thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác hại của hoạt động sản xuất đến môi trường sinh thái: Lựa chọn loài cây trồng cũng như các hoạt động quản lý rừng không gây tác động làm suy giảm chất lượng môi trường đất, không khí và nguồn nước. Phát huy tối đa chức năng của rừng trong bảo vệ môi trường sinh thái, tạo vành đai xanh. Thực hiện bảo vệ vùng đệm ven sông, suối và khu kết nối đa dạng sinh học. Duy trì và nâng cao độ che phủ của rừng trong khu vực.
Hiệu quả về xã hội: Đóng góp cho sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội của địa phương giúp người dân thoát nghèo. Thực hiện đúng và đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước và người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Tạo ra sản phẩm hàng hoá, góp phần xoá đói giảm nghèo và giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, giảm thiểu các tác động tiêu cực của người dân tới sự phát triển của rừng. Chuyển giao rộng rãi kỹ thuật sản xuất cây giống, kỹ thuật thâm canh rừng trồng cho người dân trên địa bàn nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh cao, tăng thu nhập cho người lao động của công ty và nhân dân địa phương. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Thực hiện hỗ trợ kinh phí trong các hoạt động xây dựng quỹ từ thiện, nhân đạo; mở mới và sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường phục vụ sản xuất lâm nghiệp và dân sinh. Bình quân ủng hộ cộng đồng địa phương số tiến 200 triệu đồng/năm. Thực hiện tốt hoạt động dịch vụ cây giống và chuyển giao kỹ thuật trồng rừng cho nhân dân trên địa bàn. Hàng năm, đã thu hút, giải quyết việc làm cho hơn 240 lao động với hơn 30.000 ngày công ở địa phương tham gia trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, khai thác rừng với hàng chục tỷ tiền công.  Các chế độ đối với người lao động như BHXH, BHYT, BHTN và các chế độ khác được công ty thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho CBCNV, tạo điều kiện cho CNVC đi tham quan du lịch. Thu nhập của CBCNV cuối kỳ cao hơn đầu kỳ gần 25%; bình quân 8,0 triệu/người/tháng (chưa bao gồm người quản lý) đạt mức cao so với mặt bằng thu nhập bình quân của địa phương. Người lao động yên tâm, gắn bó với công ty.
Thực hiện chứng chỉ rừng FSC FM/CoC: Nhằm phát huy tối đa tiềm năng của tài nguyên rừng của công ty trong sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội trong khu vực, trong giai đoạn 2016-2020 công ty đã thực hiện chứng chỉ rừng FSC FM. Sau một thời gian chuẩn bị các điều kiện cần và đủ; tháng 7 năm 2016, công ty đã chính thức nhận chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC FM/CoC do tập đoàn GFA cấp cho 2.340,98 ha rừng trồng do công ty quản lý. Việc thực hiện chứng chỉ rừng quốc tế FSC FM/CoC giúp cho sản phẩm từ rừng của công ty tăng thêm giá trị kinh tế đặc biệt là đã qua sơ chế tại cơ sở chế biến của công ty. Đồng thời sẽ giúp nâng cao thương hiệu gỗ của công ty trên thị trường. Mặt khác, từ việc thực hiện quản lý rừng theo tiêu chuẩn FSC,  nhận thức của cán bộ công nhân viên và người dân về quản lý rừng bền vững dần được nâng lên, từng bước góp phần bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững. 5 năm qua, công ty đã thực hiện tốt các yêu cầu của tiêu chuẩn FSC và duy trì được chứng chỉ qua các kì đánh giá của GFA. 
Rừng Bạch đàn Eu urophylla (U6) tái sinh 7 tuổi có chứng chỉ FSC/FM
Xây dựng phương án quản lý rừng giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến kinh doanh rừng hiệu quả và bền vững
Nhằm tiếp tục hướng đến mục tiêu kinh doanh rừng bền vững, phương án quản lý rừng bền vững của công ty giai đoạn 2021 – 2025 được xây dựng dựa trên: i) Kết quả thực hiện phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2016 – 2020; ii) Từ kết quả giám sát các hoạt động quản lý giai đoạn 2016 – 2020 và iii) Phân tích các thành công cũng như các tồn tại và nguyên nhân; bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện phương án QLRBV giai đoạn 2016 – 2020.

Mục tiêu chung của phương án QLRBV cho giai đoạn 2021 – 2025 (5 năm) nhằm bảo toàn và phát triển tài nguyên rừng của công ty, bảo vệ và phát triển độ che phủ hiện tại, mang lại hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và an sinh xã hội; đáp ứng các yêu cầu của Tiêu chuẩn QLRBV của Việt Nam và tiêu chuẩn FSC quốc tế quy định về quản lý rừng bền vững, là cơ sở thực hiện chứng chỉ FSC FM chu kỳ thứ hai.

Mục tiêu kinh tế bền vững: Sử dụng có hiệu quả 2.338,02 ha đất được Nhà nước giao và cho thuê. Tăng năng suất rừng trồng, phấn đấu đạt bình quân 25m3/ha/năm; doanh thu hằng năm từ khai thác gỗ rừng trồng 12 tỷ đồng. Hàng năm cung cấp gỗ rừng trồng nguyên liệu cho chế biến bình quân 15.000 - 20.000 m3; tạo ra giá trị sản lượng hàng hoá từ 23 - 28 tỷ đồng/năm; đóng góp vào ngân sách nhà nước từ 2 – 2,5 tỷ đồng/năm.
Mục tiêu môi trường bền vững: Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, phấn đấu đạt mục tiêu nâng cao độ che phủ của rừng lên trên 90% diện tích công ty quản lý vào cuối chu kì kinh doanh bằng các biện pháp tác động lâm sinh hợp lý. Duy trì và từng bước nâng cao giá trị môi trường; giữ vững và nâng cao năng suất sinh học, góp phần hạn chế xói mòn, lũ lụt; cung cấp và điều hoà nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong vùng; bảo vệ và từng bước khôi phục sự đa dạng sinh học khu vực và cân bằng về môi trường sinh thái, cảnh quan môi trường.
Mục tiêu xã hội bền vững: Tạo việc làm, tăng thu nhập cho CBCNV công ty và người dân địa phương; góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng; góp phần xóa đói, giảm nghèo, giữ vững ổn định an ninh chính trị trên địa bàn. Bảo đảm cuộc sống ổn định cho 39 - 40 cán bộ công nhân viên của công ty với mức lương bình quân 9 triệu đồng/người/tháng trở lên; hàng năm thu hút 250 - 300 lao động tại địa phương tham gia vào các hoạt động SXKD của công ty; các hộ thành viên nhận khoán rừng thu nhập ổn định, bình quân 60 triệu đồng/hộ gia đình/năm.
Nhằm thực hiện thành công các mục nói trên, công ty đã thực hiện các hoạt động

Quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp trong phạm vi công ty quản lý:

  • Bảo vệ rừng và đất rừng: toàn bộ diện tích 2.338,43 ha;
  • Diện tích khai thác rừng trồng: 825,0 ha;
  • Diện tích trồng, chăm sóc rừng năm 1: 825,0 ha; chăm sóc rừng trồng năm 2 trở lên: 2.878,45 ha;
  • Diện tích vườn ươm: 1,37 ha đất;
  • Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên: 78,79 ha vùng đệm;
  • Khoanh nuôi, bảo vệ phục hồi tự nhiên vùng đệm: 55,54 ha đất dông, khe...

Bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học: Bảo vệ toàn bộ diện tích 2.338,02 ha đất và rừng hiện có. Thực hiện theo phương châm “phòng hơn chống”. Sử dụng 2 lực lượng trong bảo vệ rừng: i) Đội cán bộ quản lý bảo vệ rừng của Công ty gồm từ 30 đến 35 người trong lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, thực hiện chế độ bảo vệ rừng tập trung, phân vùng theo 06 đội lâm nghiệp; và ii) Các hộ gia đình trên khu vực lâm phần của Công ty, lực lượng này được Công ty thuê khoán bảo vệ rừng. Xác định khu vực rừng trồng dễ bị xâm hại, dễ xảy ra cháy rừng và xây dựng giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực.

Phòng cháy, chữa cháy rừng và phòng trừ sâu bệnh hại rừng:: Thực hiện  công tác tuyên truyền phòng chống cháy rừng thông qua bảng biển, tờ rơi, hội nghị... Mua sắm trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng; chòi canh lửa, mốc. Xây dựng đường ranh cản lửa, thực hiện tiêu giảm thực bì nhằm hạn chế vật liệu cháy, đặc biệt là vào mùa khô. Tăng cường tuần tra, phát hiện kịp thời khi xảy ra cháy rừng; huy động lực lượng tại chỗ là các đội xung kích bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của Công ty phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng của địa phương tham gia chữa cháy rừng. Sẵn sàng chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ, tổ chức trực Phòng cháy chữa cháy rừng 24/24h vào những tháng cao điểm dễ xảy ra cháy rừng.
Một kế hoạch phòng trừ sâu bệnh hại đã được xây dựng, tổ chức giám sát thường xuyên làm cơ sở cho dự báo tình trạng sâu bệnh hại trong khu vực quản lý, từ đó đề xuất các biện pháp phòng trừ phù hợp, kịp thời. Đối với sản xuất cây giống tại vườn ươm: Thực hiện kiểm soát nguồn gốc giống (hạt giống, cây giống…). Xây dựng hệ thống ô tiêu chuẩn định vị giám sát thường xuyên tình trạng sâu bệnh hại hoặc giám sát thông qua báo cáo của các đơn vị đội sản xuất. Biện pháp phòng trừ chính bao gồm: i) Tuyên truyền đến cán bộ, công nhân viên người lao động, nhận biết về một số sâu bệnh hại rừng trồng và thông tin kịp thời đến đội sản xuất; ii) Áp dụng biện pháp quản lý dịch bệnh hại tổng hợp (IPM) theo các khuyến cáo của FSC bao gồm các biện pháp lâm sinh tổng hợp: Trồng xen các loài cây có chu kỳ kinh doanh khác nhau; thay đổi luân kỳ kinh doanh; thay đổi loài cây trồng, dòng giống, xuất xứ để hạn chế rủi ro khi có dịch bệnh, mưa bão, dông lốc xảy ra…; iii) Sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật theo quy trình kiểm soát hóa chất của Công ty, tuân thủ sử dụng thuốc BVTV theo qui định của quốc gia, WHO và FSC. Xây dựng tiến trình giảm sử dụng phân hóa học (Vô cơ) trên các diện tích rừng trồng của Công ty.
Bảo vệ đa dạng sinh học: Mặc dù trong phạm vi rừng và đất rừng công ty không có rừng có giá trị bảo tồn cao (HCVF). Nhưng công ty vẫn có một kế hoạch bảo vệ hành lang ven suối và khu kết nối đa dạng sinh học cũng như phục hồi tự nhiên trên diện tích khoanh nuôi tái sinh là 134,33 ha. Một kế hoạch giám sát được xây dựng nhằm bảo vệ và duy trì nguồn nước và cảnh quan thiên nhiên, phục vụ nước tưới và sinh hoạt cho cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó cũng xây dựng kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương các xã, Hạt kiểm lâm huyện thực hiện tuần tra bảo vệ thường xuyên. Ban hành các văn bản, quy ước về công tác bảo vệ đa dạng sinh học; đồng thời tổ chức tuyên truyền phổ biến và tuyên truyền rộng rãi tới cộng đồng để mọi người cùng tham gia bảo vệ.

Hoạt động phát triển rừng: Đối với rừng phòng hộ, thực hiện chuyển loại rừng từ rừng trồng sản xuất thành rừng trồng phòng hộ theo hướng dẫn của tỉnh và huyện Yên Thế. Rừng sau khi khai thác phải được tạo lại rừng ngay trong vụ trồng rừng kế tiếp. Kế hoạch trồng, chăm sóc rừng cả giai đoạn 2021 – 2025 là: 16 ha. Bình quân mỗi năm trồng 3,2 ha.

Với rừng sản xuất: Toàn bộ quỹ đất có thể trồng được rừng đều đã được Công ty sử dụng để trồng rừng sản xuất, không còn đất trống cho diện tích trồng rừng mới. Chỉ trồng rừng trên đất sau khai thác và thực hiện trồng bổ sung cây bản địa vào hành lang ven suối.
Rừng sau khi khai thác phải được tạo lại rừng ngay trong vụ trồng rừng kế tiếp. Xác định chu kỳ kinh doanh từ 5 năm trở lên, năng suất dự kiến đạt 20-30 m3/ha/năm. Kế hoạch trồng rừng cả giai đoạn 2021 - 2025: Tổng diện tích trồng, chăm sóc của chu kì là 809 ha, bao gồm: 584 ha trồng Keo và 225 ha trồng Bạch đàn. Trong đó: diện tích rừng trồng kinh doanh gỗ lớn từ 150 – 170 ha.
Sản xuất và tiêu thụ cây giống:
Quản lý vườn ươm và sản xuất cây giống có chất lượng là một yếu tố quan trọng đối với bất kì một chủ rừng nào, nó quyết định đến sự thành bại của hoạt động trồng rừng. Vì vậy Công ty đặc biệt quan tâm đến sản xuất cây giống có chất lượng phục vụ trồng rừng. Toàn bộ các giống cũ đã được thay thế bằng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bênh hại tốt. Công ty đã làm chủ được công nghệ gieo ươm, sản xuất các giống mới, không chỉ phục vụ trồng rừng của công ty mà còn bán cho nhân dân địa phương và các vùng lân cận. Công ty đã phối hợp với 2 Viện nghiên cứu đầu ngành về giống lâm  nghiệp là Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và

Vườn ươm cây giống chất lượng cao của Công ty
 Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy để khảo nghiệm chọn được bộ giống phù hợp cho thâm canh rừng trồng, đảm bảo các yêu cầu năng suất cao, chất lượng rừng tốt, đa dạng dòng và loài như Keo tai tượng, keo lai, keo lá tràm, các dòng keo tam bội. bạch đàn,… Các dòng/giống đưa vào sản xuất ở công ty đều được Bộ nông nghiệp và PTNT công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật và giống quốc gia.       Hiện tại, Công ty có 01 vườn ươm cố định công suất 1,5 triệu cây/năm và 01 vườn giống Keo tai tượng thế hệ 1,5 cung cấp hạt giống cho vườn ươm của Công ty và bán ra thị trường. Công ty cũng đang  chuẩn bị trồng 3,0 ha vườn giống Keo thế hệ 2 gồm 80 gia đình, thuận lợi cho xây dựng kế hoạch sản xuất và cung ứng giống giai đoạn 2021 – 2025. Dự kiến kế hoạch: Tổng số cây giống các loại sản xuất là 4,9 triệu cây, bình quân mỗi năm sản xuất 980.000 cây (phục vụ trồng rừng của công ty và bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh).  Doanh thu dự kiến là 7.693 triệu đồng cho 1 chu kỳ phương án.

Hoạt động khai thác lâm sản từ rừng trồng: Kế hoạch khai thác cả kỳ và hàng năm dự kiến là 825 ha, bao gồm: Rừng trồng sản xuất là 809 ha; rừng trồng sản xuất mới được quy hoạch sang rừng phòng hộ là 16 ha. Trong đó: Bạch đàn 588,63 ha; Keo 141,42 ha; Bạch đàn + Keo 40,35 ha; Keo + cây bản địa 54,6 ha.

  • Tổng trữ lượng dự kiến khai thác là 107.169 m3: Bạch đàn 73.580 m3; Keo 21.214 m3; Bạch đàn + Keo 5.549 m3; Keo + cây bản địa 6.826 m3;
-  Tổng sản lượng khai thác dự kiến là 85.733 m3: Bạch đàn 58.863 m3; Keo 16.971 m3; Bạch đàn + Keo 4.439 m3; Keo + bản địa 5.460 m3.
- Kế hoạch khai thác hàng năm: bình quân mỗi năm khai thác 165 ha, bao gồm: Rừng trồng sản xuất là 161,8 ha và rừng trồng sản xuất mới được quy hoạch sang rừng phòng hộ là 3,2 ha; trữ lượng dự kiến khai thác là 21.434 m3/năm; sản lượng khai thác dự kiến là 17.147 m3/năm.
- Tổng doanh thu từ khai thác, tiêu thụ gỗ, củi đã và chưa qua chế biến (rừng khoán công đoạn – KCĐ) giai đoạn 2021 – 2025 dự kiến đạt: 53.529 triệu đồng, bình quân 10.705,8 triệu đồng/năm. Trong đó:
Hoạt động chế biến, tiêu thụ sản phẩm:
- Gỗ nguyên liệu được vận chuyển, tập kết tại bãi gỗ nhà máy chế biến, đưa vào sản xuất và xuất bán theo quy trình quy định tại Sổ tay CoC của Công ty. Các loại lâm sản không đưa vào chế biến (củi), được xuất bán theo hợp đồng ký giữa Công ty với khách hàng. Hồ sơ khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ lâm sản thực hiện theo Quy trình giám sát chuỗi hành trình sản phẩm FM/CoC của Công ty.
- Gỗ nguyên liệu đưa về nhà máy chế biến của Công ty chế biến thành bán thành phẩm xuất bán cho khách hàng sản xuất thành sản phẩm hoàn chỉnh. Tổng số gỗ nguyên liệu đưa vào chế biến tại nhà máy chế biến của Công ty giai đoạn 2021 – 2025 dự kiến là 50.100 m3 gỗ, bình quân 10.200 m3 gỗ/năm, để chế biến thành 30.000 m3 thành phẩm, bình quân 6.000m3/năm.
Hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực về quản lý rừng bền vững


Thảo luận về thực hiện QLRBV và Chứng chỉ rừng
Nhằm mục tiêu thực hiện hiệu quả hơn phương án QLRBV và chứng chỉ rừng giai đoạn 5 5 năm 2021 – 2025, công ty đã phối hợp với Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng (SFMI) tổ chức các cuộc Tập huấn – Hội thảo (Training Workshop) về nội dung này. Tham dự ngoài toàn bộ CBCNV của công ty còn có đại diện các cơ quan quản lý lâm nghiệp và một số chủ rừng của tỉnh Bắc Giang và các tỉnh Lạng Sơn, Tuyên Quang và Nghệ An.

Tại đây, CBCNV Công ty và các thành viên tham dự hội thảo đã được tiếp cận các kiến thức về QLRBV và chứng chỉ rừng, đặc biệt là bộ tiêu chuẩn Quốc gia FSC Việt Nam NFSS V2.0 (Bộ chỉ số chung quốc tế IGI theo tiêu chuẩn FSC STD V5.2) và lộ trình cũng như phương pháp  chuyển đổi từ tiêu chuẩn FSC STD V4.0.
Hoạt động giám sát, giảm thiểu tác động tiêu cực, gia tăng tác động tích cực về môi trường và xã hội
  • Giám sát tác động môi trường
Duy trì thực hiện đánh giá TĐMT trước, trong và sau khi thực hiện các hoạt động lâm sinh: Trồng, chăm sóc, khai thác rừng trồng. Xây dựng kế hoạch khai thác hợp lý, không lạm dụng vốn rừng đảm bảo độ che phủ của rừng luôn ổn định, giảm thiểu những tác động xấu do ô nhiễm không khí trong diện tích quản lý và khu vực lân cận. Thực hiện khai thác theo hướng dẫn khai thác tác động thấp (Reduced Impact Logging-RIL) nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Sau khi khai thác xong sẽ trồng lại rừng ngay. Sử dụng phương tiện, thiết bị khai thác, vận chuyển gỗ đảm bảo an toàn. Tập huấn cho CBCNV và thực hiện hoạt động giám sát xói mòn đất, giám sát chất lượng nguồn nước, bảo vệ hành lang ven suối và khu kết nối đa dạng sinh học. Tuân thủ các quy định của ILO và FSC về kỹ thuật sản xuất, an toàn lao động, vệ sinh lao đông; bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học. Giảm thiểu lượng khói, bụi, tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước trên đầu nguồn, nguồn nước ngầm, nước sinh hoạt; không làm ảnh hưởng đến vườn rừng và hoạt động kinh tế khác của người dân giáp ranh với đất của Công ty.
  • Giám sát tác động xã hội
Có kế hoạch giám sát tác động xã hội. Hàng năm có báo cáo giám sát tác động xã hội.  Có cơ chế giải quyết mâu thuẫn với cộng đồng dân cư và với người dân sở tại trên địa bàn từng xã. Tuyên truyền vận động trưởng thôn, bản, người dân bảo vệ rừng, vận động trồng rừng liên kết với Công ty. Cho phép trồng xen năm đầu các loài cây ngắn ngày như đỗ, lạc, vừng, sắn, ngô… trên diện tích rừng trồng của Công ty ở những nơi độ dốc thấp, không làm đất bị xói mòn, rửa trôi.
Phối hợp với chính quyền địa phương và các hộ dân giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn trong quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh (nếu có); đảm bảo lợi ích hài hoà, đôi bên cùng có lợi, nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho nhân dân địa phương. Xác định tác động tiêu cực đến CBNV, cộng đồng từ các hoạt động kinh doanh của Công ty và đề xuất các biện pháp để giảm thiểu các tác động tiêu cực (nếu có).
Tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương tham gia trồng, chăm sóc rừng, khai thác rừng, sản xuất cây giống cho Công ty với khoảng 161.000 ngày công lao động, bình quân 32.200 ngày công/năm.. Có kế hoạch đào tạo nâng cao nhận thức và năng lực về kinh doanh lâm nghiệp bền vững cho CBCNV công ty và cộng đồng địa phương. Cung cấp từ 2,5 – 3 triệu cây giống chất lượng cao phục vụ nhân dân trồng rừng, bình quân 0,5 – 0,6 triệu cây/năm. Tổ chức tiêu thụ khoảng 50.000 m3 gỗ rừng trồng của nhân dân, bình quân 10.000 m3/năm. Tuyên truyền phổ biến kỹ thuật sản xuất cây giống, kỹ thuật thâm canh rừng trồng, quản lý rừng bền vững đến nhân dân trên địa bàn. Hỗ trợ cộng đồng sửa chữa, nâng cấp hệ thống đường giao thông ngoài khu vực rừng của Công ty và ủng hộ người nghèo, người khó khăn,... dự kiến 2,5 tỷ đồng (500 triệu đồng/năm).
Đánh giá cấp chứng chỉ rừng FSC FM/CoC
Thực hiện tái đánh giá cấp chứng chỉ rừng FSC quốc tế cho 5 năm chu kỳ thứ hai giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện vào năm 2021. 
Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng là xu thế tiến bộ của cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng nhằm bảo vệ môi trường toàn cầu nhất là trong bối cảnh nhân loại đã và đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu. Vì vậy, các Công ty lâm nghiệp Nhà nước và các loại hình chủ rừng khác trong đó có Công ty TNHH HTV LN Yên Thế phải xây dựng và thực hiện Phương án Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng. Phương án QLRBV được phê duyệt sẽ là cơ sở để Công ty lâm nghiệp Yên Thế hướng đến kinh doanh rừng hiệu quả và bền vững. Đồng thời phương án QLRBV cũng sẽ là cơ sở cho Công ty thực hiện các hoạt động quản lý và tiến tới đạt được Chứng chỉ rừng Quốc tế. Phương án sẽ được định kỳ điều chỉnh, bổ sung dựa trên các kết quả giám sát, các thông tin về tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cũng như đáp ứng những thay đổi về kinh tế, xã hội, môi trường, sự thay đổi về các quy định về pháp luật của Nhà nước Việt Nam và quy định tại các tiêu chuẩn của tổ chức Chứng chỉ rừng FSC Quốc tế.
 
 

[1] Phương án QLRBV giai đoạn 2021-2025


Bài viết liên quan

Viết đánh giá

Họ và tên:


Đánh giá của bạn: Lưu ý: Không hỗ trợ HTML!

Bình chọn: Dở            Hay

Nhập mã bảo vệ: