111 222 333

Lịch sử hình thành


LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CÔNG TY TNHH HAI THÀNH VIÊN
LÂM NGHIỆP YÊN THẾ


 


Ban lãnh đạo quản lý Công ty TNHH hai thành viên lâm nghiệp Yên Thế

 
Công ty TNHH hai thành viên lâm nghiệp Yên Thế tiền thân là lâm trường Yên Thế, được thành lập từ năm 1963. Công ty gồm có 2 thành viên, vốn điều lệ hiện nay là 64 tỷ đồng, trong đó:
+ Thành viên thứ nhất là UBND tỉnh Bắc Giang, vốn góp 54 tỷ đồng chiếm 84% – Người đại diện theo ủy quyền là ông Hoàng Văn Chúc.
+ Thành viên thứ hai là Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt, vốn góp 10 tỷ đồng chiếm 16% – Người đại diện theo ủy quyền là ông Đặng Quốc Lịch.

Sau nhiều lần sắp xếp đổi mới và phát triển doanh nghiệp, đến nay nhiệm vụ của công ty được xác định cơ bản là: Trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ và cây xanh đô thị; chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu lâm sản; nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật lâm nghiệp vào sản xuất; tư vấn và đầu tư xây dựng các công trình, dự án, quy hoạch lâm sinh và lâm nghiệp đô thị. Sau khi sắp xếp đổi mới nâng cao hiệu quả các công ty lâm nghiệp nhà nước theo Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị, bộ máy và nhân sự của Công ty đã từng bước được tinh giảm gọn nhẹ và phù hợp với điều kiện tổ chức sản xuất của công ty. Với 2 phòng ban nghiệp vụ, 6 đội sản xuất lâm nghiệp và 01 xưởng chế biến lâm sản và 40 cán bộ CNV. Hàng năm công ty khai thác khoảng 200ha rừng trồng. Doanh thu từ rừng trồng và chế biến bình quân 25-30 tỷ/năm. Công ty đã tự chủ được nguồn vốn đầu tư hàng năm cho sản xuất, không phải vay vốn ngân hàng. Các chế độ bảo hiểm, phúc lợi xã hội của người lao động đã được công ty quan tâm đầy đủ, thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Rừng và đất rừng công ty nằm trên địa bàn 9 xã của huyện Yên Thế, tổng diện tích đất quản lý là 2.341ha toàn bộ thuộc quy hoạch rừng sản xuất. Toàn bộ diện tích đất công ty quản lý đã được phân định ranh giới, đo đạc và cắm mốc ranh giới theo hướng dẫn của Bộ tài nguyên và Môi trường. Rừng của công ty phân bố trên đồi núi thấp nên khá thuận lợi cho sản xuất thâm canh rừng trồng, hàng năm luôn duy trì ổn định từ 2.000 - 2.100ha chủ yếu là các loài Keo lai, Bạch đàn lai và Keo tai tượng, nằm trung tâm trong vùng nguyên liệu gồm 13.000ha rừng của huyện Yên Thế và khoảng 20.000 ha rừng trên địa bàn các huyện tỉnh Thái Nguyên giáp ranh với huyện Yên Thế. Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, cùng với sự cố gắng nỗ lực của cán bộ công nhân viên. Công ty đã vượt qua khó khăn, vươn lên thành điểm sáng trong số các lâm trường quốc doanh, nay là các công ty lâm nghiệp nhà nước.
Công ty đã phối hợp với 2 viện nghiên cứu đầu ngành về giống lâm nghiệp là Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam và Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy đã khảo nghiệm chọn được bộ giống phù hợp cho thâm canh rừng trồng, đảm bảo các yêu cầu năng xuất cao, chịu thâm canh, chất lượng rừng tốt, đa dạng dòng của mỗi loài như: Bạch đàn PNCT3, PN10, PN108, Keo lai các dòng BV10, BV33, BV71; phát triển rừng gỗ lớn bằng các dòng Bạch đàn Lai các dòng UP99, UP72, UP35, Keo tai tượng vườn giống vô tính thế hệ 1,5 tại công ty, Keo lá tràm. Bộ giống mới không chỉ phục vụ cho công ty mà còn chuyển giao kỹ thuật nhân giống và cung ứng cho nhân dân trong vùng. Hệ thống vườn ươm của công ty đã xây dựng cơ bản đồng bộ từ vườn cây đầu dòng 0,5ha, vườn ươm 0,5ha, và 2ha vườn giống Keo tai tượng vô tính keo tai tượng thế hệ 1,5. Nhiều diện tích rừng trồng trên đất độ dốc thấp đã được công ty đầu tư cải tạo đất, bón phân chuồng, phân vi sinh. Do đó, năng suất rừng trồng ngày càng được nâng lên, hiện nay năng suất bình quân đạt 20-25m3/ha/năm. Một số diện tích thâm canh cao cho năng suất 30-35m3/ha/năm, luân kỳ kinh doanh cây trồng được rút ngắn nên hiệu quả sử dụng đất ngày càng cao hơn.
Công ty đã thành lập lực lượng bảo vệ rừng 24 người. Cán bộ bảo vệ rừng đã được Công an tỉnh Bắc Giang và Chi cục kiểm lâm tỉnh tập huấn nghiệp vụ chuyên môn. Nhiều hội nghị tuyên truyền chính sách pháp luật về công tác bảo vệ phát triển rừng đã được công ty tổ chức ở các xã, các thôn bản địa bàn có rừng và đất rừng công ty quản lý. Hàng năm có kế hoạch phối hợp với UBND các xã địa bàn có rừng và đất rừng công ty quản lý trong công tác bảo vệ rừng, đất rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Nguồn lực cho phòng cháy chữa cháy được quan tâm đầu tư như: đường băng cản lửa, tiêu giảm thực bì, công cụ dụng cụ (máy phát thực bì, cu liêm, đèn Pin, can nước uống, dao phát,...) tuyên truyền vận động, phối hợp lực lượng 4 tại chỗ để tuyên truyền và thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy theo kế hoạch chỉ đạo của tỉnh, của huyện. Do đó nhiều năm qua cơ bản không để xảy ra cháy rừng gây thiệt hại đến tài sản của công ty.
Trong những năm qua, gỗ rừng trồng của Công ty và nhân dân trong vùng đa số là sản phẩm gỗ nhỏ, chủ yếu chế biến nguyên liệu thô để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Các sản phảm chủ yếu là ván bóc, dăm, ván xẻ thanh. Thị trường tiêu thụ gỗ không ổn định, sản phẩm bán ra thị trường chưa được định hình từ khi trồng rừng. Nhà nước đang chỉ đạo  trồng rừng gỗ lớn để nâng cao hiệu quả sử dụng rừng và đất rừng và hướng tới phát triển bền vững. Nhưng để gỗ lớn tiêu thụ trong nước thì giá trị thấp, thị trường hẹp. Do đó cần phải tính đến xuất khẩu sang thị trường các nước EU và Mỹ. Để sản phẩm gỗ của Công ty vào được thị trường Mỹ và EU, những năm qua Công ty đã tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh rừng theo hướng phát triển bền vững, đồng thời phối hợp với các viện và các nhà khoa học lâm nghiệp lập hồ sơ quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng quốc tế. Mặt khác Công ty đã và đang thiết lập mối quan hệ gắn kết với các đối tác để hình thành chuỗi sản phẩm liên hoàn giá trị khép kín từ khâu nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng - khâu sản xuất - đến khâu chế biến tiêu thụ lâm sản, giảm bớt khâu dịch vụ trung gian.
Các lâm trường (nay là công ty lâm nghiệp nhà nước) qua quá trình sắp xếp chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường theo định hướng của nhà nước, có nhiều đơn vị lâm vào cảnh suy yếu kéo dài, hoạt động kém hiệu quả. Trong bối cảnh đó, Công ty TNHH hai thành viên lâm nghiệp Yên Thế đã cố gắng khắc phục khó khăn, chủ động tháo gỡ vướng mắc, bước đầu trở thành điểm sáng trong các công ty lâm nghiệp nhà nước hiện nay. Quản trị doanh nghiệp bước đầu được đổi mới, sản xuất kinh doanh phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản và đất đai, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động. Nghị quyết 30 Bộ chính trị ban hành, tiếp tục chỉ đạo sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty lâm nghiệp nhà nước đã tạo cơ hội cho Công ty tiếp tục phát triển rừng bền vững đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới.